• Thay đổi đường link truy cập cổng thông tin sinh viên bằng tên miền: dangky.portal.portal.hunre.edu.vn/cmcsoft.iu.web.info/login.aspx
    
TRANG TIN ĐƠN VỊ
TIN TỔNG HỢP TỪ ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 156  
 
2 0 0 7 4 7 5 9
 
 
Các Khoa - Bộ môn Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin Địa lí Tin tức - Sự kiện
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT BIỂN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐO ĐẠC BIỂN HẢI QUÂN SAU NĂM 2020

 Ngành Đo đạc - Bản đồ biển tại Việt Nam nói chung, ngành Đo đạc - Bản đồ biển Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng đã trải qua hơn 64 năm hình thành và phát triển. Trong những năm qua cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Đo đạc - Bản đồ biển Hải quân đã không ngừng lớn mạnh. Từ nhiệm vụ ban đầu khảo sát địa hình ven bờ, cửa sông, luồng lạch  phục vụ chiến đấu những năm 1955-1975 với công nghệ và trang bị lạc hậu, đến nay đã thực hiện khảo sát - đo đạc và thành lập các hệ thống hải đồ biển phủ kín vùng biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

 Những thành tựu nổi bật trong công tác đo đạc và nghiên cứu khoa học của ngành Đo đạc biển Hải quân

Ngày nay công tác đo đạc bản đồ biển được nhiều nước trên thế giới quan tâm đặc biệt. Với nhiệm vụ thu thập các số liệu về biển như độ sâu, chất đáy, dòng chảy, thuỷ triều, thông tin về khí tượng thuỷ văn biển, xây dựng hệ thống bản đồ biển... nhằm bảo đảm an toàn hàng hải cho các tàu bè dân sự cũng như quân sự đi lại trên biển và ra vào cảng qua các luồng lạch, cung cấp thông tin về biển cho các ngành kinh tế quốc dân như khai thác dầu mỏ, đặt cáp ngầm phục vụ bưu chính viễn thông, khai thác hải sản... ngành Đo đạc Bản đồ biển trên thế giới ngày càng phát triển với qui mô lớn và trang thiết bị hiện đại. Trong những năm gần đây với sự phát triển của các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ đo vẽ địa hình đáy biển đã không ngừng phát triển và có nhiều đổi mới. Hệ thống định vị GNSS, hệ thống đo sâu hồi âm đơn tia, đa tia, dò thủy âm quét sườn.v.v. đã giúp tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian và dần đáp ứng được nhu cầu xây dựng, khai thác tài nguyên trên biển.

     

Hệ thống tàu khảo sát Biển đang được sử dụng hiện nay

 Công tác ứng dụng công nghệ khảo sát biển trong Quân chủng Hải quân trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc, được đánh giá và khẳng định theo dòng chảy của lịch sử, điển hình như một số dự án:

- Thành lập bản đồ biển tỷ lệ 1:100 000 ven biển Việt Nam gồm 37 mảnh với tổng diện tích 237.000 Km2. Thành lập bản đồ khu vực Trường Sa và DK1 gồm 9 mảnh tỷ lệ 1: 200 000  và 7 mảnh tỷ lệ 1: 50 000. Dự án được thực hiện trước năm 2000.

- Thành lập hệ thống bản đồ biển, các khu vực cửa sông, cảng biển phục vụ nhiệm vụ phòng thủ của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan (Đề án 47-giai đoạn 1) với 39 mảnh tỷ lệ 1/200.000 và 50 mảnh tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm diện tích 819.500 km2.

- Thành lập bản đồ chuyên đề phục vụ hoạt động của các vũ khí, trang bị và phương tiện của Quân đội.

- Thành lập hệ thống bản đồ biển, các khu vực cửa sông, cảng biển phục vụ nhiệm vụ phòng thủ của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan (Đề án 47-giai đoạn 2) với 117 mảnh tỷ lệ 1/100.000, 112 mảnh tỷ lệ 1/25.000 phủ trùm diện tích 358.700 km2.

- Thành lập bản đồ từ trường khu vực Quần đảo Trường Sa tỷ lệ 1/200.000.

Song song với nhiệm vụ đo đạc, thành lập mới bản đồ biển tỷ lệ 1:200.000, 1:100.000, 1:50.000, Quân chủng Hải quân triển khai đo đạc, thành lập mới các loại bản đồ biển tỷ lệ 1:25.000 (50 mảnh) các khu vực cửa sông, cảng biển nhằm đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu thuyền đi lại trên tuyến luồng ra vào cảng, khu trú đậu tránh gió bão; thành lập các loại bản đồ tỷ lệ lớn phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang,  bảo đảm an ninh quốc phòng trên hướng biển.

Công tác nghiên cứu khoa học của ngành Đo đạc biển Hải quân thường xuyên được quan tâm nên đã thu hút một lượng cán bộ lớn có trình độ cao tham gia trong những năm qua, kết quả đạt được phản ánh thông qua một số đề tài ứng dụng thực tiễn như sau: Đề tài "Xây dựng mô đun ký hiệu số thuộc tính đối tượng phục vụ xây dựng hải đồ điện tử"; Đề tài "Xây dựng phần mềm công cụ xử lý số liệu từ trường"; Đề tài "Xây dựng kho dữ liệu đo đạc - bản đồ, khí tượng - hải dương và phần mềm truy xuất dữ liệu phục vụ thành lập hải đồ số và bản đồ thủy âm"; Đề tài "Xây dựng phần mềm quản lý và phân phối dữ liệu hải đồ điện tử"; Đề tài "Xây dựng phần mềm Atlas hải đồ số vùng biển Việt Nam"...

Định hướng phát triển ngành Đo đạc Bản đồ biển Hải quân sau năm 2020

Ngành Đo đạc Bản đồ biển Việt Nam hiện nay còn non trẻ so với nhiều quốc gia có biển (như Anh, Pháp, Nga,... là những nước có bề dày phát triển ngành đo đạc biển trên 300 năm). Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước và Bộ quốc phòng, ngành Đo đạc Bản đồ biển của Quân chủng Hải quân được phát triển với qui mô lớn về trang bị và lực lượng, góp phần to lớn trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho các phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển theo các chức năng và nhiệm vụ khác nhau: bảo vệ chủ quyền biển đảo, vận tải biển, khai thác hải sản, xây dựng các công trình dưới nước,…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Đo đạc Bản đồ biển trong thời đại khoa học công nghệ tiên tiến, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và thế giới cần phải có định hướng phát triển đúng đắn và có sự đầu tư hợp lý. Trên cơ sở tham khảo các mô hình phát triển ngành Đo đạc Bản đồ biển của một số nước phát triển (Nga, Pháp, Úc, Ấn Độ…), Quân chủng Hải quân xác định và định hướng phát triển ngành cho các kế  hoạch 5 năm (2015 - 2020 và những năm tiếp theo..), phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế ở nước ta.

Tiếp tục đầu tư phát triển về mọi mặt, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, thiết bị trong công tác đo đạc khảo sát biển, phấn đấu xây dựng lực lượng, phương tiện, trang bị và công nghệ đo đạc khảo, nghiên cứu biển tiên tiến hiện đại trong khu vực.

Hoàn thiện đo đạc khảo sát thành lập các loại bản đồ biển trong phạm vị vùng biển Việt Nam; Đo đạc thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển trên toàn Biển Đông phục vụ yêu cầu xây dựng bản đồ các loại tỷ lệ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Tổ chức Thủy Đạc quốc tế IHO ; triển khai nghiên cứu, khảo sát đo đạc các đối tượng thuộc lĩnh vực địa vật lý biển, hải văn phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.

Mở rộng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu biển trong nước khảo sát nghiên cứu các thông tin về biển. Hội nhập với các nước là thành viên của Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế trên thế giới; hiện đại hoá phương tiện và thiết bị đo đạc bản đồ; đa dạng hoá các loại hình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ đo đạc và bản đồ với lộ trình thích hợp, ưu tiên các chương trình, đề tài thiết thực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường;

Lựa chọn, tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện trong nước; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động đo đạc và bản đồ;

Có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với cán bộ khoa học công nghệ về đo đạc và bản đồ có trình độ cao, có đóng góp tích cực vào hoạt động đo đạc và bản đồ.

Sự đầu tư đúng hướng, với khả năng công nghệ phát triển cao, với yêu cầu cụ thể của tiêu chí phát triển bền vững, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng và nghiên cứu khoa học, từng bước khẳng định vị trí vai trò là thành viên của Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế./.

Nguồn: http://chuyentrang.monre.gov.vn/hnkhcnddbd2018/do-dac-ung-dung

Ngày 28/04/2020
Ban truyền thông Khoa TĐBĐ&TTĐL  
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 Tác nghiệp

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn