• Thay đổi đường link truy cập cổng thông tin sinh viên bằng tên miền: dangky.portal.portal.hunre.edu.vn/cmcsoft.iu.web.info/login.aspx
    
TRANG TIN ĐƠN VỊ
TIN TỔNG HỢP TỪ ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 144  
 
2 0 0 1 5 5 5 1
 
 
Các Khoa - Bộ môn Khoa Tài nguyên nước Tin tức - Sự kiện
XÁC ĐỊNH GIÁ NƯỚC HỢP LÝ TRONG QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Trên thực tế, việc sử dụng nước cho các ngành kinh tế như tưới, sinh hoạt… Trên các lưu vực sông đang bị lãng phí do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân: Nước là của trời cho, ai muốn sử dụng thì sử dụng hoặc ở vùng phải trả phí sử dụng nước thì nhà nước còn bao cấp hoặc hỗ trợ phần lớn trong giá nước. Vấn đề này khiến cho việc quản lý sử dụng vẫn còn những tồn tại nhất định đặc biệt là tình trạng lãng phí và sử dụng không hiệu quả nguồn nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước năm 1992, hội nghị quốc tế về nước và môi trường tại Dublin đã xây dựng các nguyên tắc làm nền tảng để quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Trong đó có nguyên tắc: “Nước có giá trị kinh tế trong mọi hình thức sử dụng cần được xem như một loại hàng hóa có giá trị kinh tế”. Chính vì vậy, cần xem xét đánh giá giá trị phù hợp dựa trên tiêu chí công bằng. Nước có giá trị kinh tế có nghĩa là cần phải có một  mức giá hợp cho các nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, việc định giá nước như thế nào? Trong giá nước cần bao gồm những gì? để có thể giải quyết được vấn đề phục hồi kinh phí và quản lý vận hành mà không làm mất đi giá trị của nước và công bằng là hết sức khó khăn.

1. Đòi hỏi thực tế cần phải xác định giá nước

1.1 Nước không phải là nguồn tài nguyên vô hạn

Trái đất là một hành tinh xanh với ba phần tư bề mặt trái đất được bao phủ bởi nước. Trên hành tinh chúng ta nước tồn tại dưới nhiều vị trí khác nhau: trên mặt đất, trong biển và đại dương, dưới đất và trong khí quyển. Theo UNESCO lượng nước trong thuỷ quyển trên toàn cầu là 1.386.106 km3 .Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 0.4% trữ lượng nước trên thế giới có thể sử dụng dễ dàng khai thác được ở trạng thái tự nhiên nhằm phục vụ trực tiếp cuộc sống của con người và các sinh vật, nó tồn tại ở dạng lỏng trong các sông ngòi, hồ và hồ chứa.

Việt Nam là nước được đánh giá là có tài nguyên nước tương đối dồi dào tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác được lên tới gần 60 tỷ m3/năm. Ngoài ra, nguồn nước mặt từ các sông hồ cũng rất lớn khoảng 835 tỷ m3. Tuy nhiên, các trữ lượng này phân bố không đều theo thời gian, không gian và hiện nay nước ta cũng đang đứng trước tình trạng suy thoái tài nguyên nước ở rất nhiều địa phương và lưu vực sông.

1.2 Nghịch lý của việc cấp nước miễn phí trước đây

Một sai lầm kéo dài nhiều thế kỷ trước đây là không nhận biết được giá trị đích thực về mặt kinh tế của tài nguyên nước, coi nước như là một nguồn lợi của tự nhiên và vô hạn có thể sử dụng tự do và hoàn toàn miễn phí hoặc được trợ cấp phần lớn.  Điều này khiến cho việc phân bổ nguồn nước không hợp lý, nước bị sử dụng một cách tùy tiện và kém hiệu quả, người dùng không có ý thức sử dụng tiết kiệm, bảo vệ mà lại khai thác quá mức tài nguyên nước.

Hình 1: Nghịch lý của việc cấp nước sinh hoạt miễn phí

1.3 Tình trạng gia tăng dân số và quá trình phát triển kinh tế xã hội

Thế giới đang phải đối mặt với vấn đề bùng nổ dân số toàn cầu. Xét trong toàn bộ tiến trình lịch sử xã hội cho đến nay, tỉ lệ phát triển dân số trên phạm vi toàn thế giới ngày càng cao. Dân số tăng thì yêu cầu sử dụng nước cũng tăng tỉ lệ thuận kết hợp với việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước do chất lượng xã hội ngày càng phát triển. Do đó, nên tỉ lệ sử dụng nước thường tăng gấp 2 hoặc 3 lần so với tỉ lệ tăng trưởng dân số.

Kinh tế phát triển, lượng nước tiêu thụ càng nhiều nhằm phục vụ cho các nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện... Mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể về công nghệ khai thác, sản xuất và tái sử dụng nhưng với lượng nước hữu hạn mà nhu cu nước ngày càng tăng thì không thể tránh khỏi vấn đề xung đột, thiếu hụt và suy thoái nước xảy ra.

2. Những vấn đề cần xem xét khi định giá nước

Tài nguyên nước được sử dụng trong tất cả các ngành kinh tế cũng như các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí hàng ngày. Nhưng với nhu cầu khác nhau cần xác định một mức giá cụ thể phù hợp chứ không thể áp dụng  một mức giá với tất cả các nhu cầu sử dụng hay cùng một nhu cầu với tất cả khu vực.  

Vấn đề xác định giá cần phải có mục đích cụ thể và được cả người sử dụng nước và các nhà cung cấp thấy phù hợp. Tuy nhiên, trên phương diện kinh tế thì mong muốn của người sử dụng nước và các nhà cung cấp lại khác nhau. Người sử dụng nước luôn muốn nguồn nước được cung cấp ổn định, chất lượng tốt nhưng giá cả phải chăng còn nhà cung cấp lại muốn tính toán tất cả chi phí vào giá nước để có doanh thu cao và ổn định. Nếu giá nước quá cao thì người sử dụng nước sẽ không đủ khả năng chi trả còn nếu giá nước quá thấp thì nhà cung cấp không duy trì được hệ thống cung cấp nước tốt. Để hợp lý, công bằng khi thiết lập giá nước nên xem xét đến các vấn đ sau:

  1. Tối đa hóa hiệu quả phân bổ tài nguyên nước;
  2. Người sử dụng nước nhận thấy hợp lý, phải chăng;
  3. Công bằng với tất cả tầng lớp xã hội;
  4. Mang lại doanh thu hợp lý cho nhà cung cấp;
  5. Ổn định tránh xảy ra đột biến;
  6. Cơ cấu giá phải bao gồm cả chi phí môi trường và thúc đẩy bảo vệ tài nguyên nước;
  7. Cơ cấu giá giảm tối đa cho các chi phí hành chính và trung gian;
  8. Không xung đột với luật pháp, chính sách của chính phủ;
  9. Thúc đẩy phát triển kinh tế, phù hợp với mục tiêu  của xã hội;
  10. Thúc đẩy hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước….

3. Các thành phần cấu thành lên giá nước

Giá nước bao gồm các thành phần khác nhau như chi phí sản xuất, chi phí cơ hội, giá trị kinh tế của hàng hóa và nhu cầu của người tiêu dùng (hình 2). Giá trị kinh tế của người dùng nước thường không giống với giá trị kinh tế của xã hội. Giá trị kinh tế của xã hội thường đề cập đến lợi ích chung của toàn xã hội. Định giá nước cần nhắm đến các mục đích: Thứ nhất là bù đắp chi phí, thứ hai là nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Với mục đích bù đắp chi phí, cần phân tách rõ giữa chi phí nội tại và chi phí ngoại lai (chi phí xã hội). Từ góc độ tài chính, định giá nước phải đảm bảo bù đắp được chi phí vận hành hệ thống cần thiết để có thể cung cấp nước và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng (vốn). Vì thế, chi phí sản xuất bao gồm chi phí vận hành và chi phí đầu tư.

Trong vấn đề định giá nước thì ngoại chi phí (chi phí bên ngoài) như thiệt hại về môi trường, sự ô nhiễm, ảnh hưởng của người dùng nước ở hạ lưu và những chi phí xã hi khác (ảnh hưởng tới sức khỏe, tái định cư….) cũng cần phải được tính đến. Tiền nhận được từ việc tính gộp chi phí này sẽ được trả cho những người thiệt hại.

            Mức giá phản ánh tổng chi phí mà xã hội phải chịu trong quá trình sản xuất nước như vậy là chưa đủ cần phải bao gồm cả sự khan hiếm của nguồn nước. Thông thường chi phí này được mô tả là chi phí cơ hội (chi phí do việc không thể sử dụng nước cho các hoạt động kinh tế khác). Số tiền này lấy từ giá nước mà người tiêu dùng nước phải chịu.

 

Hình 2: Các thành phần của giá nước đối với người dùng

Về giá trị kinh tế, cần phân biệt rõ ràng giữa giá trị kinh tế đối với cá nhân người dùng được phản ánh qua sự sẵn lòng chi chả và giá trị kinh tế đối với xã hội. Sự sẵn lòng chi trả của người sử dụng nước là một hàm phản ánh quan hệ giữa lượng nước tiêu dùng và khả năng chi trả của người dùng. Hàm này được thể hiện qua đường cong thể hiện sự co giãn của cầu theo giá. Chỉ khi giá trị kinh tế của nước đối với xã hội lớn hơn hoặc bằng chi phí kinh tế thì mới có thể phát triển các nguồn nước. Nhưng trong thực tế lại xảy ra 2 trường hợp.

   Trường hợp thứ nhất: Khả năng chi trả (sự sẵn lòng chi trả) lớn hơn chi phí kinh tế. Trong trường hợp này Chính phủ sẽ thu thêm thuế hoặc phí để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; Trường hợp thứ hai: khả năng chi trả thấp hơn chi phí kinh tế khi đó chính phủ có thể trợ giá để đạt tới mức chi phí kinh tế (đây cũng là một hình thức quản lý nhu cầu).

Như vậy, việc định giá nước không chỉ dựa trên quan điểm tài chính, quan điểm kinh tế mà còn phải chú ý đến khía cạnh xã hội, môi trường và sinh thái.

4. Kết luận

Nguyên tắc Dublin trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã coi nước là một hàng hoá kinh tế, là nguồn lực khan hiếm và yếu tố sản xuất. Vì thế trong quản lý và phân bổ cần phải tính đúng, tính đủ giá của nước theo những nguyên tắc kinh tế bên cạnh đó cũng cần phải xem xét đến tính hiệu quả, tính công bằng và có những chính sách ưu tiên phù hợp. Như vậy, sự định giá nước thư­ờng không có câu trả lời đúng tuyệt đối với tất cả các nhu cầu sử dụng nên đây là một vấn đề rất lớn và thực hiện không dễ dàng, đặc biệt là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của tất cả xã hội.

 

BỘ MÔN TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT, KHOA TÀI NGUYÊN NƯỚC

Ngày 18/10/2019
 
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 Tác nghiệp

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn