• Thay đổi đường link truy cập cổng thông tin sinh viên bằng tên miền: dangky.portal.portal.hunre.edu.vn/cmcsoft.iu.web.info/login.aspx
    
TRANG TIN ĐƠN VỊ
TIN TỔNG HỢP TỪ ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 69  
 
2 0 0 0 6 8 6 5
 
 
Các Khoa - Bộ môn Khoa Tài nguyên nước Tin tức - Sự kiện
GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC

Ông Lê Việt Hùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề nước sạch tại Hà Nội.

Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội hiện nay?

ThS. Lê Việt Hùng: Tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội kéo theo sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước. Theo dự tính, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước của Hà Nội là gần 1,3 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước cho sinh hoạt khoảng 800 nghìn m3, công nghiệp hơn 82 nghìn m3 và các mục đích khác khoảng 230 nghìn m3/ngày đêm. Với nguồn nước mặt và nước dưới đất phong phú (tổng lượng nước mặt vùng Hà Nội khoảng 120 tỷ m3, lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất khoảng hơn 8 triệu m3/ngày đêm) thì việc cấp nước ở Hà Nội cơ bản đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước toàn thành phố. Hiện nay, nguồn tài nguyên nước tại Hà Nội được khai thác chủ yếu là nước ngầm từ các nhà máy nước Yên Phụ, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Pháp Vân, Hạ Đình…với công suất khai thác khoảng trên 600.000 m3/ngày đêm. Lượng khai thác tài nguyên nước mặt còn khá hạn chế, khoảng hơn 200.000 m3/ngày đêm từ nhà máy nước mặt sông Đà.

Những năm gần đây, Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung luôn phải đối mặt với tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và suy giảm nguồn nước.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

ThS. Lê Việt Hùng: Nguyên nhân là do thành phố Hà Nội chưa có hệ thống thoát nước hiện đại, các con sông trong thành phố hàng ngày phải tiếp nhận khoảng gần 450 nghìn m3 nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa qua xử lý. Hơn 50% hồ ao ở Hà Nội bị san lấp để xây dựng nhà ở, việc xử lý rác sinh hoạt đã được đầu tư chú trọng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu… Mặt khác, việc suy giảm nguồn nước còn có nguyên nhân từ việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, thể hiện rõ nhất là sau vụ đổ trộm dầu thải ra khe núi gần Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Việc chậm phát hiện và không có phương án xử lý sự cố hữu hiệu dẫn đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cũng cần kể đến nguyên nhân hạn chế trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước như là việc thực thi pháp luật tài nguyên nước chưa hiệu quả. Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định, nghiêm cấm việc đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt của tổ chức, cá nhân khai thác nước cũng như trách nhiệm của UBND các cấp về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn; quy định cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác…

Thế nhưng, do thiếu kinh phí nên công tác xây dựng các trạm quan trắc, giám sát, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước… tại địa phương khó triển khai, thực hiện. Doanh nghiệp thường chỉ lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát các thông số nước cơ bản như độ pH, độ đục, nhiệt độ nước…, các thông số khác như nồng độ chất Styren hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước đầu vào thì hầu như không có. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đã được thực hiện nhưng ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Người dân chưa có ý thức bảo vệ, giám sát nguồn nước cũng như sử dụng tài nguyên nước lãng phí, chưa hiệu quả.

Về chất lượng nguồn nước, với nguồn nước mặt, chất lượng nguồn nước thường không bảo đảm do các nguồn ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nông nghiệp, công nghiệp là hiện hữu và thường thải trực tiếp ra sông, hồ… chưa qua xử lý… mà hồ Đầm Bài là một ví dụ điển hình. Với nguồn nước dưới đất, chất lượng nhìn chung bảo đảm nhưng việc bố trí các giếng khoan khai thác nước dưới đất chưa hợp lý đã dẫn đến việc suy giảm mực nước, suy thoái chất lượng và số lượng nước dưới dất… gây sụt lún ở một số khu vực như Nam Dư, Hạ Đình, Tương Mai… nhất là ở Pháp Vân, Ngô Sỹ Liên, Thành Công… hoặc nhiễm mặn, nhiễm Amoni, Asen...

Trong khi đó, tình trạng hành nghề khoan khai thác nước dưới đất không phép cũng như việc khai thác nhỏ lẻ nước dưới đất diễn biến phức tạp, khó quản lý… Số lượng lỗ khoan khai thác nước nhỏ lẻ hoặc đã dừng khai thác nước nhưng chưa được trám lấp trong dân chưa được thống kê đầy đủ. Đây là một trong những nguy cơ làm mất an ninh nguồn nước vì các chất ô nhiễm bề mặt có thể di chuyển xuống thông qua các cửa sổ địa chất thủy văn này.

Theo ông thì những vấn đề này có thể giải quyết được không?

ThS. Lê Việt Hùng: Các nước cũng phải đối mặt với vấn đề về bảo đảm an ninh nguồn nước và họ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý. Tại Trung Quốc, năm 1993, ban hành Bản thực thi chế độ cấp giấy phép lấy nước và thay bằng Quy chế cấp phép sử dụng Tài nguyên nước và Quản lý thu phí tài nguyên nước (năm 2006). Năm 1997, ban hành Chính sách về tài sản ngành nước. Năm 1998, ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi, bổ sung năm 2002). Luật Tài nguyên nước 2002 của Trung Quốc quy định hầu hết các nguồn nước là tài sản của Nhà nước, việc sử dụng nước phải có giấy phép của chính quyền địa phương. Năm 2008, Trung Quốc đã ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới, tăng mức xử phạt, kể cả việc xử phạt nghiêm khắc đối với người điều hành các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Theo đó, tổ chức vi phạm pháp luật gây sự cố ô nhiễm nguồn nước thì sẽ bị phạt tiền, nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng thì người điều hành doanh nghiệp/nhà máy sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp và bị phạt với mức không quá 50% thu nhập của cả năm trước do doanh nghiệp trả.

Tại Thái Lan, theo Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR) kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn nước Thái lan gồm 4 trụ cột: một là, Luật Nguồn nước 2018; hai là thành lập Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia năm 2017 với việc cơ cấu lại hơn 40 cơ quan chuyên trách về nước trong 7 Bộ; ba là, đưa những ý tưởng và công nghệ mới vào giải quyết các vấn đề về nước; bốn là, kế hoạch tổng thể quản lý nguồn nước đến năm 2037.

Tại Hà Lan, từ năm 1954 đã có luật về sử dụng nước dưới đất, sửa đổi năm 1984, quy định nguyên tắc tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc xả trở lại nước dưới đất đều là đối tượng bắt buộc phải xin cấp phép. Từ năm 1980 đến nay, Hà Lan chuyển từ phương pháp tiếp cận theo ngành sang phương pháp tiếp cận có tính chất tổng hợp, liên ngành.

Theo ông, tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam thì chúng ta có thể thực hiện những giải pháp cụ thể gì trong tương lai để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân và tránh các sự cố hy hữu có thể xảy ra?

ThS. Lê Việt Hùng: Theo tôi, trước tiên, cần thay đổi nhận thức và hành động của người dân thủ đô cũng như cơ quan, đoàn thể trong bảo đảm an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thống nhất, ban hành cụ thể các quy định về pháp luật trong việc bảo vệ nguồn nước cũng như quy định trách nhiệm và chế tài xử phạt kèm theo.

Các doanh nghiệp khai thác nguồn nước cũng như UBND các cấp phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nước hằng năm.

Đồng thời, cần lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước cũng như tiến hành khoanh định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước 2012. Đồng thời, tiến hành xây dựng kế hoạch giám sát, bảo vệ môi trường nước như định kỳ quan trắc, đo đạc, phân tích một cách hệ thống các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước.

Giảm công suất các nhà máy nước khai thác nước dưới đất ở những khu vực có nguy cơ cao gây sụt lún và gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng các bãi giếng mới gần sông Hồng và tránh những khu vực có nền đất yếu như bùn, sét hữu cơ.

Xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình, quy trình công nghệ hiện đại để xử lý kịp thời số lượng và chất lượng nước thải trước khi xả vào hệ thống tiêu thoát nước, sông hồ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước để tập hợp, lưu trữ, phân tích, xử lý, quản lý, cập nhật các thông tin có liên quan đến diễn biến của tình trạng tài nguyên nước.

Nước là một trong những loại hình tài nguyên đặc biệt, thiết yếu nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết hiện nay đối mỗi địa phương, mỗi quốc gia trên thế giới. An ninh nguồn nước được hiểu là một cộng đồng có khả năng tiếp cận nguồn nước một các đầy đủ về số lượng và chất lượng chấp nhận được, nhằm bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống con người, song song đó là bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cũng như chống lại những hiểm họa về thiên tai liên quan đến nước để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: http://thanglong.chinhphu.vn/giai-phap-nao-cho-viec-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc

Minh Anh (thực hiện)

Ngày 18/11/2019
 
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 Tác nghiệp

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn